Trang chủ › Diễn đàn › Giáo dục và Giải trí › Ngu Dốt Là Gì
Dán nhãn: ngudot
- This topic has 0 phản hồi, 1 voice, and was last updated 2 years trước by Adam Nguyễn.
-
Người viếtBài viết
-
16 Tháng mười hai, 2022 vào lúc 3:17 sáng #9411Adam NguyễnThành viên
Có lẽ em cũng thường nghe người này chửi người nọ ngu, hoặc em cũng từng chửi, hoặc em nghĩ mình ngu. Hồi trước thì người ta thường chửi kèm “ngu dốt” cơ. Thế em có bao giờ định nghĩa xem ngu là gì, dốt là gì hông? Đối với mọi thứ mà chúng ta tiếp xúc mỗi ngày, em nên tập thói quen chiêm nghiệm, quan sát lại tất cả chứ không dùng theo thói quen, dùng theo cách dùng của người khác.
Khi một người không biết một thông tin nào đó, không thể lý giải một hiện tượng nào đó, thường là sẽ bị chửi “ngu”. Nhưng thật sự thì đó có thể chỉ là “dốt” thôi. Dốt là việc thiếu thông tin, thiếu kiến thức về một vấn đề nào đó do chưa từng được học, chưa tìm hiểu qua. Ngu là khi có thông tin, có kiến thức và được giảng giải mà đối tượng vẫn không hiểu, hoặc chậm hiểu. Khái niệm về ngu thường gắn liền với chỉ số thông minh IQ (intelligence quotient) để chỉ năng lực trí tuệ trong việc xử lý thông tin, phần lớn là thiên về tính toán, logic. Ngày nay người ta còn đưa thêm EQ (chỉ số thông minh cảm xúc), thông minh về thể chất.. để không ai phải ngu cả.
Em có thể hình dung người dốt là một quyển tập trắng, người không dốt là một quyển từ điển, người không ngu là một phần mềm có công nghệ big data. Với quyển tập, em có thể nhập dần những dữ liệu em cần vào đó tùy vào khả năng trí tuệ (độ ngu) mà các thông tin đó chính xác hay không, trình bày sạch đẹp không và có tác dụng gì không. Quyển từ điển dù có nhiều thông tin, nhưng nó không có khả năng gợi ý thông tin nào em cần, thông tin nào chính xác nhất mà chỉ có thể đưa ra các khả năng có thể có. Từ điển là thứ không dốt, mà ngu. Phần mềm big data ban đầu cũng giống như quyển sổ trắng, nó hấp thu tất cả số liệu và học hỏi, ghi nhớ các khả năng đúng nhất, từ đó nó có thể thể hiện chức năng cuốn từ điển, vừa có thể đưa ra đáp án đúng nhất, cải thiện dần theo thời gian.
Đa số những người bình thường, không ai ngu cả, họ chỉ dốt thôi. Hay nói đúng hơn là họ không quan tâm đến lĩnh vực mà họ bị xem là ngu, không có thông tin, không suy nghĩ về vấn đề đó thì làm sao có thể lí giải được. Ở đây điểm khác biệt chính là mục tiêu mà họ quan tâm, thông tin mà họ tiếp cận, kiến thức họ tiếp thu. Những người suốt ngày lên FB hóng phốt, lên báo đọc tin tội phạm, share các bài giật gân, xem clip hài nhảm… thì làm sao có thông tin để lý giải về các hiện tượng trong cuộc sống.
1. Không biết gì: không có thông tin nào, chưa từng tiếp xúc với sự vật hiện tượng đó, không biết rằng nó tồn tại.. Đây là dốt.
2. Có nghe nói đâu đó: đã tiếp cận với thông tin qua một số nguồn tin nào đó, chưa quan tâm và không có lý giải riêng, chỉ có thể lặp lại thông tin từ người khác (hoặc không).
3. Hiểu biết về thông tin một cách chính xác và có thể lý giải rõ ràng, nhưng còn chưa có quan điểm riêng, chỉ có thể hiểu theo cách người khác giải thích.
4. Có thông tin, hiểu thông tin, có lý giải riêng, có thể sử dụng lý giải áp dụng vào các tình huống khác.
5. Hiểu và cảm nhận, trải nghiệm thật sự riêng. Điều này chỉ áp dụng với các lý giải đạo lý. Ví dụ “sống trong hiện tại”, “hạnh phúc là con đường không phải điểm đến”… những thứ mà nhiều người nghe, có thể lý giải, nhưng mỗi người chỉ có thể tự mình cảm nhận và trải nghiệm. Hiểu chưa chắc cảm.Anh cho rằng những người bị đánh giá thấp (do người khác hay do chính bản thân họ) chẳng qua là do họ thiếu sự tập trung, không muốn tìm hiểu thông tin, không muốn suy nghĩ và thực hành các kiến thức nào đó mà thôi (do họ bận quan tâm thứ khác như đã nói ở trên).
Theo anh thấy, những người giỏi, người đạt được thành tựu nhất định trong các lĩnh vực, đa phần đều có cái tôi (bản ngã) lớn. Thường thường người ta phải có một loại lòng tin vào chính mình, có một niềm yêu thích cuồng nhiệt, một sự đam mê mãnh liệt nào đó để dựa vào thì mới có động lực tìm hiểu thông tin, suy ngẫm kiến thức, thử nghiệm và thất bại rồi dần dần bước lên đỉnh cao.
Ngược lại, cũng có thể vì có năng khiếu, vì có một loại trí thông minh hơn người nào đó (khả năng tính toán, ngoại hình xinh đẹp, chơi thể thao giỏi, nghệ thuật giỏi…) khiến cho bản ngã của họ lớn dần lên theo những khả năng và thành tựu mà người bình thường khó có được.
Trong việc ngộ đạo, có 3 loại cảnh giới cơ bản: thấy núi là núi, thấy núi không phải núi, lại thấy núi là núi.
Thường thì người giỏi sẽ tiến vào loại cảnh giới thứ hai, họ sẽ nhìn mọi việc khác người bình thường (những người được xem là ngu và/hoặc dốt – thậm chí chưa thể thấy núi là núi), khi ở cảnh giới này họ thấy mọi thứ thật huyền diệu, họ cho rằng bản thân mình khác lạ với người khác, mình hiểu biết hơn, thông tuệ hơn, từ bi hơn… Cảnh giới này tuyệt vời đến mức đa phần những người đạt tới đều đắm mình trong đó đến hết đời.Nhiều người sẵn sàng bảo vệ thứ mà họ thấy, dù biết không phải lúc nào nó cũng đúng như họ thấy, dù chính bản thân họ cũng nghi ngờ, nhưng không muốn bước chân ra, không muốn lại “thấy núi là núi”. Núi không phải núi thì mới hay! Từ đó sinh ra tính bảo thủ, cũng là sự cầm tù dành cho những người có may mắn vượt lên trên nhiều người, nhưng không đủ can đảm bỏ xuống thứ mình đã cầm lên để bước cao hơn.
Phật nói đạo của ta không phải là bến bờ giải thoát, chỉ là con thuyền giúp người vượt biển mê. Nhiều người đến bờ mà tiếc con thuyền nên cứ ngồi mãi đó. Đối với Phật, chứng ngộ là khi tiến về vô ngã, là không còn bản ngã. Nhưng vấn đề là khi nào biết mình chứng? Nếu tự cho mình chứng, thì đó là bản ngã đang chứng cho mình chứ ai, vậy là vẫn còn bản ngã, vẫn chưa chứng. Đó là cái bẫy của bản ngã vậy.
Những người giỏi hơn người giỏi, về sau họ sẽ buông xuống những kiến thức, thông tin, lý giải mà họ biết trước đó để tìm tòi những thứ mới mẻ hơn, họ quay lại soi xét điều họ cho là đúng để xem còn khả năng nào khác hay không, như câu nói nổi tiếng của Socrates: “Tôi chỉ biết một điều là tôi chẳng biết gì cả”.
Cuộc đời này ngắn lắm, anh mong em sống thật vui và nhìn ngắm mọi thứ xung quanh bằng con mắt của riêng mình, để một lần dạo qua thế gian này không uổng phí.
-
Người viếtBài viết
- Bạn cần đăng nhập để phản hồi chủ đề này.